Mỗi người Việt nên có một bác sĩ riêng? Chuyên gia kể về một mô hình lý tưởng - bác sĩ gia đình ở Úc

Ở Australia và các nước phát triển, mỗi người dân đều có thể chọn cho mình một bác sĩ đa khoa hành nghề chuyên nghiệp làm bác sĩ riêng. Việt Nam có thể học hỏi gì từ mô hình này?

Hôm 30/12/2020, báo chí đưa tin về Hội nghị Chuyển đổi số y tế vừa diễn ra tại Hà Nội. Mục tiêu "mỗi người dân đều có bác sĩ riêng" bị giật tít trên một số báo dễ gây ra hiểu lầm, rằng đây lại là một vụ nổ mới của Bộ Y tế. Rằng thì là Việt Nam ta đang ở phía đằng đuôi lại muốn nhảy lên dẫn đầu thế giới…

Thực ra thì nội dung căn bản của hội nghị là hướng tới áp dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế, trong đó có mục tiêu là hồ sơ sức khỏe của mỗi người dân đều phải được "số hóa", hay nói theo ngôn ngữ bình dân, là được đưa vào hệ thống máy tính kết nối trong cả nước.

Nói vậy có cao xa quá không? Theo tôi là không.

Khoảng cách từ Saigon Medic đến Paris là bao nhiêu giây?

Khoảng đầu thập niên 1990 tôi được TS Vũ Công Lập (Viện Vật lý Y Sinh) giao việc nghiên cứu các tài liệu về công nghệ y học của hãng Siemen, qua đó mới được biết về khái niệm y học số hóa. 

Khi ấy ở Việt Nam hầu như mọi bác sĩ chuyên khoa X quang đều còn nghĩ là kết quả xét nghiệm bằng hình ảnh phải in ra phim trong phòng tối rồi mới có thể gửi đi cho đồng nghiệp, nhưng tại Trung tâm Chẩn đoán Y khoa Sài Gòn (Saigon Medic), BS Phan Thanh Hải đã chuẩn bị nhập về chiếc máy CT đầu tiên trong cả nước cùng với nhiều thiết bị tiên tiến khác. 

Một vài năm sau, bà xã tôi sau một cú ngã ngửa từ thang giường tầng của tụi nhỏ đã được làm một trong những bệnh nhân đầu tiên được soi trong máy CT của BS Phan Thanh Hải để loại trừ khả năng tụ máu trong hộp sọ.

CT là viết tắt của cụm từ tiếng Anh computerized tomography scan, nôm na là quét hình ảnh không gian qua điện toán hóa. Kết quả xét nghiệm hình ảnh bằng CT hay nhiều phương pháp khác như siêu âm, PET, MRI… đều được ghi lại bằng điện toán ("số hóa"), rồi sau đó mới in ra bản cứng khi cần. Về lý thuyết thì từ Sài Gòn, BS Phan Thanh Hải có thể gửi kết quả chẩn đoán hình ảnh cho đồng nghiệp hội chẩn từ Paris hay New York trong chớp mắt, miễn là có đường truyền Internet đủ mạnh.

Tiếp theo đó, các máy xét nghiệm sinh hóa, tế bào, miễn dịch… tại Saigon Medic cũng đều kết nối với máy tính…

Và bây giờ thì CT cũng như các thiết bị xét nghiệm kết nối máy tính đã trở thành quá quen thuộc trong hầu như mọi bệnh viện ở nước ta.

Sẽ không còn "chữ xấu như chữ bác sĩ"

Cuối cùng thì khâu khó khăn nhất hóa ra không phải là máy móc, mà chính là phải sửa đổi thói quen của con người. Thay vì lập bệnh án bằng giấy, bây giờ các thày thuốc phải "viết bằng máy tính". Bà xã tôi là điều dưỡng, một dạo cứ than phiền hay phải về muộn vì cứ phải vào vi tính mới bàn giao được ca trực.

Với việc toàn bộ kết quả xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị đều được "số hóa", hồ sơ sức khỏe của bệnh nhân được bảo quản đầy đủ, an toàn hơn, và điều quan trọng là khi bệnh nhân chuyển viện, hay di chuyển chỗ ở thì hồ sơ sức khỏe của họ có thể truy cập được từ địa điểm mới.

Như vậy, muốn tránh được tương lai "một mình một chợ", Việt Nam bắt buộc phải định hướng số hóa ngành y tế ngay từ bây giờ để hội nhập với thế giới.

Phải chăng thành kiến "chữ xấu như chữ bác sĩ" một ngày nào đó sẽ đi vào quên lãng?

Mỗi người dân đều có bác sĩ riêng?

Ở Australia và các nước phát triển, thực sự mỗi người dân đều có thể chọn cho mình một bác sĩ đa khoa hành nghề chuyên nghiệp gần nơi mình cư trú. Tiếng Anh gọi họ là GP (general practitioner, có thể tạm dịch là bác sĩ gia đình). 

GP có cơ sở hành nghề riêng, gọi là "surgery", trang bị khá đầy đủ như một bệnh viện đa khoa thu nhỏ, với trợ lý tiếp điện thoại, hẹn lịch làm việc... GP thường tự lấy máu gửi đi xét nghiệm, hoặc gửi bệnh nhân đi xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh. Đôi khi, một nhóm GP có thể hùn vốn lập ra một trung tâm để làm việc hỗ trợ nhau.

GP ở Australia là một nghề chuyên biệt, đòi hỏi chuyên tâm toàn bộ thời gian và có yêu cầu chuyên môn cao. Sau khi tốt nghiệp trường Y, để trở thành GP các bác sĩ phải học thêm 1 năm internship và ít nhất 1 năm residency để trải qua tất cả các khoa của bệnh viện, rồi 3-4 năm học nghề (vocational training) để lấy chứng chỉ FRACGP (Fellowship of the Royal College of General Practitioners, 3 năm), hay FACRRM (Fellowship of the Australial College of Rural and Remote Medicine, 4 năm, để làm việc ở vùng sâu vùng xa). Các suất học nghề cũng không phải ai muốn cũng có ngay, nhiều người phải ở lại nội trú đến 3 năm rồi mới giành được suất đi học tiếp.

GP hoạt động như tuyến đầu của ngành y tế. Khi có vấn đề sức khỏe, phần lớn người bệnh sẽ gọi điện trước đến GP của mình để hẹn ngày giờ khám bệnh. Phần lớn các vấn đề sức khỏe được giải quyết ngay ở cấp GP, tránh được cảnh bệnh viện quá tải. Những trường hợp cần mổ xẻ và can thiệp chuyên khoa thì GP mới phải giới thiệu cho tuyến sau.

Các trường hợp bị thương, đang sốt và đau thì có thể "tự vào" bệnh viện mà không cần GP giới thiệu. Họ đều phải vào khoa cấp cứu, khám phân loại rồi mới được nhập viện hay trả về nhà sau thời gian ngắn theo dõi.

Mô hình y tế phối hợp mạng lưới GP và các bệnh viện giúp cho việc sử dụng hợp lý nguồn lực y tế của cộng đồng.

Dĩ nhiên Australia cũng như Việt Nam hay các nước khác, bao giờ cũng có những người cả đời không muốn gặp thầy thuốc, hoặc là chỉ gặp thầy thuốc khi họ chia tay thế gian.

Nhưng phần đông thì ở nơi tôi ở người ta thường tự chọn một GP là bác sĩ riêng của mình, và họ thường quen biết nhau đến mức gọi nhau bằng tên thân mật. GP của tôi là một đồng hương Tiền Giang. Ngày chúng tôi mới tới Australia đã được anh giúp đỡ rất nhiều.

Cách đây vài năm Việt Nam đã lần đầu tiên đăng cai hội nghị quốc tế về bác sĩ gia đình. Không phải ai cũng được chọn cho mình một bệnh viện riêng, nhưng tôi mong ước và tin rằng sẽ được chứng kiến ngày mà trên quê hương tôi, mỗi người đều có thể chọn cho mình ít nhất là một bác sĩ riêng.

TS Trần Bắc Hải

Doanh nghiệp và Tiếp thị