Tương ớt Mường Khương đặc sản tuyệt ngon của Lào Cai

Tương Ớt Mường Khương là sản phẩm nổi tiếng của huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Tương Ớt Mường Khương được làm từ ớt quả đặc biệt thơm cay, vị cay rất riêng không giống như một số loại ớt khác và trồng ở những vùng đất khác.

Mường Khương là một huyện biên giới phía Bắc của Việt Nam thuộc tỉnh Lào Cai. Để thích ứng được với khí hậu nơi đây, vào những mùa lạnh, bà con Mường Khương thường có thói quen ăn ớt cay để cơ thể có khả năng chống lại được cái giá lạnh của vùng cao. Với hương vị cay cay, thơm thơm ăn một lần là thấy nhớ món tương ớt đặc trưng của vùng núi, món tương ớt Mường Khương lâu dần đã trở thành một sản phẩm đặc trưng của vùng đất Mường Khương và được nhiều người biết đến.

 Tương ớt Mường Khương được kết hợp từ 100% nguyên liệu tự nhiên, là những quả ớt được trồng tại các sườn núi Mường Khương, loại ớt này không to, nên bà con nơi đây gọi nó là Ớt Thóc, nó được xếp thuộc loại cay nhất thế giới (ngang với ớt Habanero). Ớt này có vị cay cay, đậm đà, hương vị hoàn toàn khác biệt so với những loại ớt thông thường như dưới miền xuôi.

 

Sản phẩm tương ớt Mường Khương của HTX Kinh doanh và tổng hợp Mường Khương

Thông thường ớt thóc được thu hoạch từ tháng giêng đến tháng 4 và tháng 5 hàng năm là chính vụ, tuy nhiên giống ớt này có đặc điểm khác với ớt dưới miền xuôi là nó cứ ra hoa, đậu quả, hái quả lại ra hoa đến tầm tháng 11 hàng năm thì mới kết thúc mùa thu hoạch của người dân. Với bàn tay khéo léo, kết hợp sự chăm chỉ, chịu khó, bà con đất Mường Khương đã biết kết hợp giữa nguyên liệu là những quả ớt chín mọng và các gia vị khác như một chút rượu ngô, tỏi bóc hết lớp áo, hạt rau thì là, hạt rau mùi, hạt dổi, hạt thảo quả... Qua một thời gian ủ dài khoảng 2 tháng liên tục từ khi chế biến, ớt mới có đủ độ ngấu và hương vị chua chua, dịu dịu, thơm thơm khi các loại gia vị ngấm vào nhau. Trong thời gian ủ, người làm thường xuyên phải đảo thùng tương ớt từ 1 tới 2 lần trên ngày để tránh hiện tượng lên men khi ủ ớt trong thời gian dài. Tương ớt được ủ trong thùng gỗ hoặc thùng nhựa sẽ đảm bảo cho ra một sản phẩm tương ớt ngon đúng chất Mường Khương.

Trong những năm gần đây, do nhu cầu ngày càng nhiều, lượng ớt được thu hái từ cây trên núi không đủ để đáp ứng cho sản xuất tương ớt Mường Khương, nên bà con có quy hoạch và mở rộng diện tích trồng thêm ở dưới xuôi để có thêm nguồn nguyên liệu, tránh bị gián đoạn trong sản xuất. Thông thường theo tỷ lệ làm một mẻ tương ớt với khoảng 30kg ớt tươi sẽ cần 100g hạt thì là, 100g hạt mùi, 50g dổi, 3kg tỏi, nửa lít rượu ngô, 3kg muối và 50g quế, 50g thảo quả và 5 lít nước đun sôi để nguội.

Nguyên liệu là chính, nhưng khâu chế biến cũng rất quan trọng. Để tạo ra được mẻ tương ớt chuẩn vị ngon đặc trưng của nó, người làm phải đảm bảo từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến các dụng cụ để xay hay ủ. Nếu không đảm bảo được những yêu cầu trên thì tương ớt sẽ nhanh bị và hỏng.

Tương ớt Mường Khương từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm

Bà con dân tộc Mường Khương thường trồng ớt thóc trên các sườn đồi, núi cao. Khu vực trồng ớt thóc nhiều nhất tập trung ở xã Bản Lầu, Thanh Bình, Na Lốc.

Theo thống kê cho thấy, nông dân huyện Mường Khương trồng gần 60 ha ớt, toàn bộ diện tích này, nông dân đều liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm ớt quả tươi. Qua thực tế thu hoạch của nông dân Mường Khương năng suất ớt quả tươi bình quân đạt 45 tạ/ha. Như vậy, sản lượng ớt cả năm của Mường Khương đạt đến 265 tấn. Ớt quả thu hoạch được có thể được treo cho khô để giã ra ăn dần, hoặc có thể làm tương ớt với phương pháp thủ công truyền thống, có vị thơm cay rất đậm đà hương vị núi rừng. Tuy nhiên, do người dân chỉ chế biến với số lượng nhỏ nên tiếng tăm của tương ớt Mường Khương chưa được biết đến rộng rãi.

Nhằm đầu tư phát triển sản phẩm với thương hiệu Tương Ớt Mường Khương, kể từ năm 2005, HTX kinh doanh tổng hợp Mường Khương được thành lập. Thời điểm ban đầu có 35 thành viên của HTX chủ yếu là người đồng bào dân tộc, thiểu số, khó khăn không có vốn đầu tư về giống và phân bón. Giám đốc HTX là ông Nguyễn Văn Dũng đã bỏ vốn đầu tư mua giống cho bà con, đầu tư trang thiết bị máy móc để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên lúc đầu tổng sản lượng ớt thu mua được của người dân chỉ đạt được 50% nhu cầu sản xuất nên bài toán đặt ra là mở rộng mô hình trồng nguyên liệu, nên ông lại tiếp tục đầu tư vốn nhân rộng giống ớt để cung cấp cho bà con, mở rộng diện tích trồng có đầu tư về kỹ thuật nên cho năng suất ớt cao hơn, ổn định về nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Sau hơn một năm phấn đấu, tình hình sản xuất đi vào ổn định, sản phẩm đã được thị trường biết đến và đầu năm 2006, Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chủ quyền thương hiệu cho sản phẩm tương ớt Mường Khương của HTX do ông Nguyễn Văn Dũng làm Giám đốc.

Đến nay, sản phẩm tương ớt Mường Khương được nhiều khách hàng ở mọi vùng miền trên cả nước biết đến, đặc biệt ở một số tỉnh như Lào Cai, Phú Thọ, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ được lượng sản phẩm nhiều nhất trong cả nước. Bình quân mỗi năm HTX đã cung ứng ra thị trường khoảng 2000-2500 tấn tương ớt. Điều này vừa mang ý nghĩa về mặt kinh tế, vừa góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống văn hóa của cộng đồng các dân tộc Lào Cai.

Hỗ trợ phát triển thương hiệu sản phẩm tương ớt Mường Khương

Ngày 19/3/2019, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và xếp hạng sản phẩm thuộc Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Lào Cai” năm 2018, trong đó có sản phẩm tương ớt Mường Khương là 01 trong 09 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao (***). UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổ chức công bố danh hiệu cho các sản phẩm được xếp hạng; hướng dẫn UBND cấp huyện, các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện chính sách hỗ trợ sản phẩm OCOP, việc sử dụng và in nhãn hiệu sản phẩm OCOP, thứ hạng sao in trên bao bì sản phẩm được công nhận; kiểm tra định kỳ các sản phẩm, đề xuất xử lý các hành vi vi phạm theo quy định. Như vậy, sản phẩm tương ớt Mường Khương đã có điều kiện để nhiều người dân trong cả nước biết đến và đem lại một cơ hội tốt để mở rộng thị trường khách hàng và dần khẳng định được thương hiệu.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Lào Cai còn có sự chỉ đạo khuyến khích xây dựng hệ thống các điểm phân phối hàng đặc sản địa phương tại Trạm dừng nghỉ, các cửa hàng nông sản và tại cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm cho các HTX tỉnh Lào Cai cho thấy quyết tâm giúp đặc sản của tỉnh được giới thiệu rộng rãi ra thị trường. 

Quảng Cáo Vàng

nguồn: laocai.gov.vn