Ferrari là biểu tượng của sự sang trọng, chất lượng và tốc độ, vậy ở đâu tiêu thụ xa xỉ phẩm này nhiều nhất?

Thương hiệu xe thể thao cao cấp của Ý được các chị em phái đẹp tại Trung Quốc săn đón không kém gì các món đồ hiệu xa xỉ như quần áo, túi xách hay trang sức.

Ferrari là biểu tượng của sự sang trọng, chất lượng và tốc độ. Hầu hết những người giàu có trên khắp thế giới đều khao khát sở hữu ít nhất một chiếc xe mang thương hiệu này.

Sản xuất giới hạn, mức giá đắt đỏ, có tiền chưa chắc mua được xe và nhiều thứ khác đã khiến cái tên Ferrari là khao khát sở hữu của không ít người.

Những chiếc Ferrari thậm chí còn đẹp hơn khi nó được đặt cạnh một quý bà quyền quý. Chính điều này đã dẫn tới sự thay đổi đáng kể trong doanh số mua xe. Những phụ nữ có đam mê với siêu xe tốc độ cao đã thay đổi cuộc chơi khi chiếm lĩnh ⅕ lượng khách hàng mua mẫu xe thể thao của Ý. Đặc biệt, Trung Quốc đã nổi lên như một thị trường hấp dẫn với nhà sản xuất ô tô thể thao này, nhờ vào sự nổi tiếng của nó đối với phái đẹp.

 

Esther Ma, CEO và người sáng lập của Prestique Limited, một trong những công ty marketing hàng đầu ở Hồng Kông (Trung Quốc) bên chiếc Ferrari đầu tiên của mình.

Ở những quốc gia khác trên thế giới, 95% tổng số xe Ferrari được mua bởi nam giới, trong khi ở Trung Quốc, tỷ lệ này giảm xuống còn 80%.

Phát biểu tại triển lãm ô tô ở Bắc Kinh, ông chủ của Ferrari, Amedeo Felisa, cho biết: “Độ tuổi trung bình của những người mua Ferrari ở Trung Quốc trẻ hơn 10 tuổi so với phần còn lại của châu Âu. Và ở Trung Quốc, có rất nhiều phụ nữ bản lĩnh đang tham gia công việc kinh doanh, điều hành các doanh nghiệp lớn. Họ có tiền và họ có đủ khả năng để mua một chiếc Ferrari.”

Ông còn nói thêm, “Sự thay đổi trong tỷ lệ này là một điều bất ngờ và rất đáng hoan nghênh đối với chúng tôi, Trung Quốc là một thị trường tiềm năng. Khi mọi người nỗ lực làm việc và đạt được thành công, họ sẽ muốn nhận được phần thưởng. Và rõ ràng phần thưởng một chiếc Ferrari là xứng đáng và là niềm khao khát của nhiều phụ nữ.”

Shindy Xin Di Meng, người sáng lập công ty dệt may hàng đầu với chiếc Ferrari 458 của mình.

Cũng theo Bloomberg, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 12% doanh số bán hàng của Ferrari trong năm 2022, với gần 1.600 xe. Tiêu dùng xa xỉ là một tiêu chuẩn đối với giới thượng lưu Trung Quốc, nhưng hiện nay xu hướng này không còn giới hạn ở túi xách, giày dép hay những món đồ trang sức đá quý. Họ có rất nhiều lựa chọn và xe hơi là một lựa chọn thông minh.

Nói về mua sắm, Trung Quốc là một “miếng bánh” béo bở, thu hút rất nhiều thương hiệu lớn trên toàn thế giới. Dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc từng được xem là một “mỏ vàng” chưa được khai phá đối với các thương hiệu phương Tây.

Thu nhập cao và nhu cầu mua sắm chưa được giải toả ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới được kỳ vọng sẽ trở thành nguồn tăng trưởng trong nhiều thập kỷ cho những công ty nước ngoài. Các ông lớn Louis Vuitton, Hermes, Gucci hay Nikes đều chú trọng phát triển các hoạt động kinh doanh tại đây.Ngay cả những cửa hàng mang tính biểu tượng của London như Harrods cũng đang thiết lập hình thức hội viên ở Thượng Hải để phục vụ giới giàu châu Á.

Theo Luxurylaunches

Quảng Cáo Vầng