Thời trang Việt đến thời bứt phá

Hàng loạt thương hiệu thời trang nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam khiến thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Song, đây cũng là cú hích để thời trang Việt nỗ lực bước qua "khung cửa hẹp" và nâng tầm thương hiệu trên đấu trường quốc tế. 

Sau hàng loạt thương hiệu thời trang nước ngoài như Topshop, Zara, H&M, Mango, Pull&Bear, Massimo Dutti... và sắp tới là Uniqlo và Forever21 vào Việt Nam, rồi thời trang giá rẻ từ Trung Quốc, Thái Lan "đổ bộ”, không ít người quan ngại thời trang Việt rất khó để phát triển. Vậy nhưng đây cũng chính là lực đẩy để các doanh nghiệp (DN) thời trang nội nỗ lực vươn lên khẳng định thương hiệu.

Dấu ấn

Theo đại diện Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), những năm gần đây, hàng may mặc nội địa tăng trung bình 10 -15%, một số thương hiệu đã được người tiêu dùng ưa chuộng. Ông Lê Viết Thanh - Tổng giám đốc K&K Fashion cho rằng: "Thị trường thời trang có sự phân cấp rất rõ và nhu cầu cũng rất đa dạng nên các thương hiệu lớn nước ngoài dù mạnh đến đâu cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu khách hàng. Vì vậy, DN nội vẫn có chỗ đứng nếu sản phẩm khác biệt và tìm được thị trường ngách. DN nội cũng có lợi thế là am hiểu "gu" của người Việt để thiết kế sản phẩm phù hợp".

Bà Lưu Nga - Tổng giám đốc Công ty Thời trang Elisa chia sẻ: "Bản chất của thời trang là tạo ra xu hướng và làm thỏa mãn nhu cầu về mẫu mã, chất lượng cho người dùng. Bây giờ thời trang Việt đã có nhiều điều kiện để làm điều đó do được tiếp xúc, học hỏi các thương hiệu thời trang các nước. Vì vậy, không có lý do gì chúng ta không cạnh tranh được với thời trang thế giới".

Những năm gần đây, nhiều thương hiệu thời trang Việt đã bám giữ thị trường bên cạnh không ít thương hiệu mới theo xu hướng tự thiết kế ra đời đã tạo được dấu ấn riêng. Mặc dù giá mặt bằng tăng phi mã nhưng nhiều DN Việt Nam vẫn mở rộng cửa hàng, như Việt Tiến có gần 650 cửa hàng, An Phước vượt mốc 115 cửa hàng, K&K có10 cửa hàng và một shop online, Blue Exchange hơn 200 cửa hàng, May 10 phát triển thêm 20 đại lý, Elisa có 70 cửa hàng và năm 2018 sẽ đạt con số 100, Canifa đạt hơn 100 cửa hàng...

Tỷ lệ thuận với hệ thống cửa hàng, các thương hiệu thời trang này tăng trưởng khả quan, như K&K tăng hơn 50%/năm với lượng khách trung bình mỗi tháng đạt từ 5.000 - 10.000 người, An Phước tăng trưởng 15 - 17%/năm và có lượng lớn khách trung thành nhất định, May10 tăng đều mỗi năm từ 22 - 25%...

Nhiều DN thời trang Việt đang chọn thị trường "ngách" và các dòng sản phẩm tự thiết kế với giá trung bình và cao cấp, như Cashew, Labella, Kelly Bùi, Marc, Dotty, Camellia, Mora. Theo ông Vũ - đại diện thương hiệu thời trang Marc: "Thời trang Việt khởi sắc nhờ có những nhà thiết kế trẻ tiếp xúc với xu hướng thời trang thế giới, tư duy mới nên tạo ra nhiều sản phẩm đặc sắc. Góp phần vào xu hướng này, Marc đã liên tục ra mắt những trang phục có thiết kế trẻ trung, sáng tạo".

Bà Hoàng Thanh Tú - chủ thương hiệu thời trang Mora khẳng định: "Những năm gần đây, nhiều thương hiệu thời trang Việt tự tin vươn ra thị trường các nước, tham gia vào các tuần lễ thời trang tại Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản..., trong đó có Mora". Mặc dù còn khá thận trọng trong việc mở rộng hệ thống nhưng thông qua hai showroom tại Nha Trang và Đà Nẵng, Mora hoàn toàn tự tin vì có lượng khách ổn định.

Chọn chiến lược phát triển thương hiệu thời trang nhanh cao cấp, chia sẻ với báo giới, bà Nguyễn Ngọc Linh - Phó tổng giám đốc Thương hiệu thời trang nhanh IVY moda cho biết: "Từ năm 2017, IVY moda đã cho ra mắt thương hiệu thời trang IVY men định hình phong cách cho người mặc và tiếp đến là thời trang trẻ em - IVY kid".

Với lợi thế có 10 nhà máy và hàng ngàn nhân viên giỏi tay nghề, đại diện thời trang NEM cho rằng đây là thế mạnh mà không DN FDI nào có thể có được tại Việt Nam. Với phương châm chất lượng, mẫu mã hợp thời, chi phí sản xuất hợp lý, đi tắt xu hướng, đại diện thời trang NEM khẳng định đó là hướng đi khác biệt nên tự tin sẵn sàng cạnh tranh với những thương hiệu thời trang mạnh.

Cùng chọn hướng thời trang nhanh nhưng Canifa lại theo phương châm "nhanh vừa đủ” và định hướng ở phân khúc có mức giá phù hợp với số đông và tạo sự khác biệt là độ bền. Chia sẻ tại cuộc thi thiết kế thời trang gần đây do Canifa cùng Hiệp hội Cottton (Mỹ) tổ chức, bà Đoàn Bích Ngọc - CEO Công ty CP Canifa cho rằng, các nhãn hàng quốc tế thiên về màu sắc và họa tiết thì Canifa chọn sản phẩm có vòng đời sử dụng dài hơn, thể hiện bằng chất liệu tốt. Chiến lược này phù hợp với thu nhập của phần đông người tiêu dùng Việt Nam.

Các DN thời trang Việt Nam cũng có nhiều cách riêng để marketing thương hiệu. Nếu như Elisa chọn hướng tài trợ cho các cuộc thi hoa hậu, người mẫu, thời trang quốc tế thì Canifa lại tài trợ cho các chương trình Đồ Rê Mí, Project Runway, Vietnam Next Top Model, MARC tài trợ cuộc thi Fashion In Me.

Để đón đầu lợi thế công nghệ, nhiều DN thời trang đã đầu tư vào kênh bán hàng online. K&K tiếp thị bằng công nghệ retargeting đa thiết bị của nhà cung cấp nước ngoài. Kết quả, từ tháng 9/2016 đến tháng 5/2017, số giao dịch trực tuyến thành công của Công ty tăng 121%.

Góp thêm nét mới cho thời trang Việt, theo bà Hiền Lê - chủ thương hiệu thời trang Michiko: "Lợi thế của Michiko là chỉ sử dụng vải Nhật Bản mát, không nhăn, có thể giặt máy, dành cho phân khúc thời trang cao cấp nữ 30 tuổi trở lên - phân khúc ít DN nhắm đến với giá từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/sản phẩm". Cũng theo bà Hiền Lê, phân khúc thời trang cao cấp cho phụ nữ trên 30 tuổi là phân khúc ngách vì đây là nhóm khách hàng thích phong cách riêng và chất liệu cao cấp, mẫu lạ.

Vượt rào cản

Để các thương hiệu nói trên thành những tên tuổi lớn trong ngành thời trang Việt Nam và vươn ra thế giới vẫn cần rất nhiều sự nỗ lực từ nhiều phía. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 chia sẻ: "Ở nhiều quốc gia, ngành thời trang phát triển là nhờ chuỗi cung ứng đi kèm, có như vậy những ý tưởng thiết kế mới mới thành sản phẩm cụ thể. Trong khi đó, chuỗi cung ứng của Việt Nam còn rất yếu, đa số nguyên phụ liệu vẫn phải nhập nên giảm năng lực cạnh tranh. Nhân lực thiết kế cũng còn thiếu, nếu thuê thiết kế nước ngoài thì chi phí rất cao" Theo bà Huyền, nguyên liệu là khâu khó nhất, nguồn sợi trong nước đắt đỏ, lại không ổn định nên một số sản phẩm đúng made in Vietnam thường có giá cao, mất lợi thế cạnh tranh.

Một trong những "bệ đỡ” quan trọng cho việc xây dựng thương hiệu là thông qua hệ thống cửa hàng, thế nhưng, giá thuê mặt bằng lại quá cao khiến giá thành sản phẩm phải đội lên. Còn tại các trung tâm thương mại lớn, khi có thương hiệu nước ngoài vào thường đẩy thương hiệu Việt Nam lên lầu để giành chỗ tốt nhất.

Giám đốc một DN của Hàn Quốc chuyên gia công cho các nhãn thời trang quốc tế tại Việt Nam cho rằng: "Để thời trang Việt sánh bằng các thương hiệu ngoại thì DN không chỉ tận dụng lợi thế sân nhà với yếu tố nhân công giá rẻ mà phải áp dụng kỹ thuật cao, nâng cao chuỗi giá trị. Song, việc phát triển học viện nghiên cứu về dệt may, nguồn nhân lực ngành thời trang như nhà thiết kế, công nhân may có kỹ thuật cao vẫn chưa có nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước".

Đâu là giải pháp?

Các chủ doanh nghiệp, nhà thiết kế, nhà phân phối có cái nhìn khác nhau trong mục tiêu chung khi đưa ra những giải pháp thúc đẩy ngành thời trang Việt Nam phát triển.

Tiếp cận nhanh xu hướng cá nhân hóa

Các thương hiệu thời trang toàn cầu mang đến Việt Nam bản sắc riêng và nhờ thế thúc đẩy thị trường phát triển. Việc cạnh tranh với xu thế thời trang nhanh của các hãng toàn cầu là không đáng ngại bởi họ nằm ở phân khúc rộng nên thường không đi sâu vào thị trường Việt Nam. Cũng vì tính chất toàn cầu, H&M hay Zara không thể thiết kế những bộ sưu tập chỉ dành riêng cho một thị trường nào đó, các hãng này cũng không thể phủ cửa hàng nhỏ đến những nơi không thể đạt mức tối thiểu về doanh số. Các thương hiệu trong nước như K&K sẽ tận dụng lợi thế của công ty nhỏ, linh hoạt và có tính địa phương để phát triển. Các thương hiệu nội địa chọn đối tượng khách hàng cụ thể chứ khó đáp ứng đủ nhu cầu của giới hay lứa tuổi. Thực tế này diễn ra ở hầu hết các thị trường như Nhật Bản, Trung Quốc hay Hồng Kông. Các thương hiệu toàn cầu và thương hiệu nội địa vẫn phát triển song song, thậm chí có nơi các hãng nội địa cạnh tranh tốt hơn.

Nhiều thương hiệu thời trang Việt Nam sau giai đoạn thăng hoa thì không bứt phá được. Có thể nói ngành thời trang Việt Nam còn non trẻ và qua từng giai đoạn phát triển, thị trường thời trang vốn đòi hỏi phải đáp ứng nhanh theo gu, thời trang đa phong cách, cập nhật liên tục các xu hướng mới và mở rộng thì các thương hiệu trong nước chưa theo kịp, khâu marketing còn đơn giản và còn giữ xu thế truyền thống, khiến ngân sách lớn nhưng hiệu quả thấp, khó tiếp cận khách hàng để cạnh tranh nên làm cho thị phần co hẹp.

Trước đây K&K dự tính phát triển chuỗi nhưng sau một thời gian nhận thấy xu hướng phủ rộng cửa hàng là không phù hợp bởi chi phí quá cao. Hiện K&K có 10 cửa hàng, chủ yếu tại TP.HCM và hướng tới mỗi năm mở tối đa vài ba cửa hàng ở những khu vực mà thị trường đã chín muồi, đã qua thử nghiệm với kênh online. K&K tổ chức đội ngũ thiết kế riêng với khả năng tung ra khoảng 50 mẫu mới hằng tháng, giá cạnh tranh. 
Quan trọng nhất là cách thức đầu tư để tiếp cận nhanh và chính xác khách hàng theo xu hướng cá nhân hóa.

Lê Viết Thanh - Tổng giám đốc Công ty Khang Khôi, chủ thương hiệu thời trang K&K

Cần tạo sự chuyển dịch từ sản xuất đến phân phối

Phải nhìn nhận thời trang Việt Nam thời gian qua có những bước nhảy vọt qua việc tổ chức Tuần lễ thời trang Việt Nam, những cuộc trình diễn ở sàn diễn thế giới, đội ngũ thiết kế tăng mỗi năm, thợ may giỏi được đào tạo từ các trường chuyên ngành, từ những cuộc thi chuyên môn. Tiếc rằng ngành thời trang nước ta chưa chuyên nghiệp, dẫn đến tình trạng người may cứ sản xuất, người bán cứ phân phối, chưa tạo được chuỗi hoàn chỉnh so với thương hiệu nước ngoài.

Muốn thúc đẩy ngành thời trang Việt Nam cần sự phối hợp đồng bộ từ các ngành, hiệp hội, nhà thiết kế, nhà kinh doanh. Trước mắt, ngày 20 - 22/10 tới đây, TP.HCM tổ chức trình diễn thời trang tại phố đi bộ Nguyễn Huệ do Sở Du lịch TP.HCM chủ trì. Sự kiện này sẽ tổ chức thường kỳ, ngoài tạo sản phẩm du lịch mới là sự kết nối các nhà sản xuất, doanh nghiệp thời trang và là cơ hội giới thiệu thương hiệu đến công chúng. TP.HCM sẽ ra mắt một trung tâm thời trang tại quận 9, là nơi cung cấp nguồn nguyên phụ liệu thời trang, nơi đào tạo nguồn nhân lực phục vụ thời trang, cũng là điểm trình diễn, giới thiệu, bán sản phẩm.

Phạm Văn Việt - Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May- Thêu Đan TP.HCM, Chủ tịch Công ty Việt Thắng Jean

Định hướng cho sinh viên khoa thiết kế thời trang ngay từ khi còn ở giảng đường

Tôi từng tiếp xúc với nhiều sinh viên khoa thiết kế thời trang mới ra trường, đa phần họ không thích làm việc cho các doanh nghiệp thời trang vì cho rằng không có môi trường phát huy sở trường. Sinh viên chưa thật sự hiểu được định hướng của doanh nghiệp thời trang và cũng không được trang bị kiến thức làm thương hiệu.

Như vậy việc định hướng nghề nghiệp từ nhà trường là quan trọng để sinh viên có thể quyết định lựa chọn doanh nghiệp phù hợp với tính chất công việc của nhà thiết kế. Nhiều doanh nghiệp khá nôn nóng trong việc xây dựng thương hiệu, như vậy khó có thể thành công nếu chỉ tập trung vào doanh thu và lợi nhuận trước mắt. Doanh nghiệp thời trang phải có chiến lược lâu dài và kiên định về mặt hình ảnh và sản phẩm, đầu tư đào tạo, nâng cấp trình độ nhân sự.

Có một thực trạng là nhà thiết kế đa phần xem "cái tôi" quá lớn nên ngại hợp tác với doanh nghiệp thời trang. Nhiều nhà thiết kế hiện nay, cũng như tôi, khi ra nhãn hiệu dieuANH chỉ mang tính cá nhân nhiều hơn là một thương hiệu nói chung. Khi không tìm được sự đồng nhịp với doanh nghiệp thời trang thì tôi lựa chọn "dòng ngách" mang tính sáng tạo riêng, vì thế khách hàng hẹp hơn nhưng một nhà thiết kế hoạt động độc lập thì lựa chọn này là hợp lý.

Nhà thiết kế Đào Lê Diệu Anh

Quảng Cáo Vàng

theo Doanh nhân Sài Gòn